Cách Chăm Sóc Móng Tay Sau Khi Làm Nail Để Móng Luôn Khoẻ Đẹp

Thảo Quyên Nguyễn -

Chăm sóc móng tay sau khi làm nail để móng luôn khỏe đẹp không chỉ đơn thuần là dưỡng móng mà còn là quá trình phục hồi toàn diện. Sau mỗi lần làm nail, móng dễ bị khô, yếu và tổn thương nếu không được chăm sóc đúng cách. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ cách chăm sóc móng tay sau khi làm nail với các phương pháp cấp ẩm sâu, chăm sóc biểu bì và phục hồi lớp sừng tự nhiên – để móng luôn chắc khỏe, sáng bóng và tránh xa các vấn đề như nấm móng hay viêm da quanh móng.

Vì sao cần phải chăm sóc móng tay sau khi làm nail?

Móng tay sau khi làm nail cần được chăm sóc đặc biệt để duy trì sức khỏe và vẻ đẹp lâu dài. Dưới đây là những lý do tại sao việc chăm sóc móng sau khi làm nail là vô cùng quan trọng:

  • Ảnh hưởng của hóa chất lên móng: Các hóa chất được sử dụng trong quá trình làm nail như gel, bột hoặc acrylic có thể khiến móng tay bị yếu dần. Chúng có thể làm móng trở nên mỏng và dễ gãy nếu không được dưỡng và bảo vệ đúng cách.
  • Nguy cơ móng bị yếu, khô, dễ gãy: Sau khi tiếp xúc với hóa chất và quá trình mài dũa, móng tay tự nhiên thường trở nên yếu đi, mất đi độ ẩm cần thiết, dẫn đến tình trạng khô và dễ gãy. Nếu không dưỡng ẩm cho móng đúng cách cũng có thể khiến móng bị yếu, mất độ bóng và thậm chí là bong tróc lớp sơn.
  • Ngăn ngừa nhiễm trùng, viêm da quanh móng: Nếu không được chăm sóc cẩn thận, vùng da quanh móng có thể bị viêm nhiễm hoặc nhiễm trùng do sự tiếp xúc lâu dài với các hóa chất trong quá trình làm nail.
  • Kéo dài tuổi thọ của bộ nail: Một bộ móng được chăm sóc cẩn thận sẽ ít bị bong tróc, nứt gãy, duy trì được độ bền và vẻ đẹp lâu dài. Việc chăm sóc và dưỡng móng đúng cách sẽ giúp bộ nail không bị xỉn màu và giữ được độ sáng bóng lâu hơn.
Việc làm nail thường xuyên có thể khiến móng tay mỏng và yếu dần
Việc làm nail thường xuyên có thể khiến móng tay mỏng và yếu dần

Hướng dẫn cách chăm sóc móng tay sau khi làm nail

Việc chăm sóc móng tay sau khi làm nail đòi hỏi sự kiên trì và đúng phương pháp. Để đảm bảo móng tay bạn luôn trong trạng thái tốt nhất, hãy cùng Rin Nails tìm hiểu những bí quyết vàng dưới đây, giúp bộ móng không chỉ đẹp mà còn khỏe từ bên trong.

Dưỡng ẩm thường xuyên

Dưỡng ẩm chính là bước cơ bản và thiết yếu nhất trong quy trình chăm sóc móng sau khi làm nail. Giống như làn da, móng tay và vùng da xung quanh cũng cần được cấp ẩm đầy đủ để tránh tình trạng khô, giòn, dễ gãy. Khi móng được dưỡng ẩm tốt, chúng sẽ trở nên chắc khỏe, từ đó giảm thiểu nguy cơ bong tróc sơn và giúp bộ móng trông bóng đẹp tự nhiên.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm dưỡng ẩm chuyên biệt cho tay và móng. Bạn nên ưu tiên các sản phẩm chứa thành phần dưỡng ẩm sâu như: bơ hạt mỡ (shea butter), glycerin, hyaluronic acid, vitamin E, dầu jojoba, dầu hạnh nhân, hoặc dầu argan.

Để đạt hiệu quả dưỡng ẩm tối ưu, khi thoa kem dưỡng bạn nên massage nhẹ nhàng lên móng tay và vùng da quanh móng. Việc này không chỉ giúp sản phẩm thẩm thấu tốt hơn mà còn giúp kích thích tuần hoàn máu và thúc đẩy sự phát triển của móng. Tùy thuộc vào nhu cầu của móng, bạn nên dưỡng ẩm ít nhất 2 lần mỗi ngày, đặc biệt sau khi rửa tay hoặc tiếp xúc với nước. Duy trì thói quen này là một cách chăm sóc móng tay sau khi làm nail hiệu quả.

Massage móng nhẹ nhàng với dầu dưỡng ẩm 2 lần mỗi ngày
Massage móng nhẹ nhàng với dầu dưỡng ẩm 2 lần mỗi ngày

Bảo vệ móng tay khỏi hóa chất và tác động từ bên ngoài

Việc cấp ẩm sẽ trở nên vô nghĩa nếu móng tay của bạn liên tục phải đối mặt với các tác nhân gây hại từ môi trường. Do đó, bảo vệ móng là bước tiếp theo không thể thiếu. Để giữ cho lớp sơn và sức khỏe móng được duy trì, bạn cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với các chất gây hại.

Luôn sử dụng găng tay khi làm việc nhà như rửa bát hay lau dọn, bởi các hóa chất tẩy rửa mạnh có thể làm móng yếu, khô và dễ gãy. Đồng thời, hạn chế dùng nước rửa tay khô chứa cồn, thay vào đó hãy ưu tiên rửa tay bằng xà phòng và nước ấm bất cứ khi nào có thể, và đừng quên dưỡng ẩm ngay sau đó.

Luôn sử dụng găng tay khi làm việc nhà để bảo vệ móng và da tay
Luôn sử dụng găng tay khi làm việc nhà để bảo vệ móng và da tay

Chăm sóc biểu bì móng

Lớp biểu bì (cuticle) chính là “lá chắn” bảo vệ móng khỏi vi khuẩn và viêm nhiễm. Sau khi làm nail, lớp sừng và biểu bì thường bị tổn thương do hóa chất hoặc cắt tỉa quá đà, khiến móng khô, dễ bong tróc. Một trong những cách đơn giản nhất để phục hồi lớp sừng là dùng dầu dưỡng biểu bì móng. Một số sản phẩm chất lượng bạn có thể tham khảo là:

  • Dầu dưỡng cuticle Burt’s Bees Lemon Butter – chiết xuất thiên nhiên, an toàn cho da nhạy cảm.
  • CND SolarOil – chuyên dùng cho móng gel, giúp dưỡng ẩm sâu và phục hồi lớp biểu bì.

Thoa đều dầu 1 – 2 lần/ngày, đặc biệt là sau khi rửa tay hoặc làm việc nhà. Đây là một trong những bí quyết chăm sóc móng tay cho cô nàng hiện đại mà bạn không nên bỏ qua.

Ngoài ra, bạn nên hạn chế cắt da quanh móng quá sâu. Thay vào đó, nên ngâm tay nước ấm 5 phút và dùng que gỗ nhẹ nhàng đẩy biểu bì về phía gốc móng. Tránh dùng đồ sắc nhọn hoặc cắt sát da, vì dễ gây trầy xước và nhiễm trùng. Điều quan trọng không thể bỏ qua chính là luôn luôn dưỡng ẩm cho móng và vùng da quanh móng sau khi vệ sinh nhé!

Hạn chế cắt da quanh móng quá sâu vì có thể gây trầy xước và nhiễm trùng
Hạn chế cắt da quanh móng quá sâu vì có thể gây trầy xước và nhiễm trùng

Uống đủ nước và bổ sung vitamin

Để móng tay thực sự khỏe mạnh, việc chăm sóc từ bên ngoài là chưa đủ, chúng ta cần nuôi dưỡng móng từ sâu bên trong thông qua chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Móng tay là một phần phản ánh sức khỏe tổng thể của cơ thể, một chế độ ăn uống cân bằng và đủ nước sẽ giúp móng chắc khỏe, ít gãy hơn.

Đảm bảo uống đủ 2 – 2.5 lít nước mỗi ngày để giữ cho cơ thể và móng luôn đủ ẩm. Đồng thời, bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cần thiết như: vitamin B, biotin, vitamin E, sắtkẽm. Các chất này đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố cấu trúc móng, thúc đẩy sự phát triển của tế bào và bảo vệ móng khỏi các tổn thương.

Không nên làm nail liên tục

Cuối cùng, dù yêu thích việc làm nail đến mấy, bạn cũng cần hiểu rằng móng tay cần được nghỉ ngơi. Việc làm nail liên tục, đặc biệt là các loại gel, bột hoặc đắp móng, có thể làm móng bị yếu đi, mỏng và dễ hư tổn.

Lý tưởng nhất là nên “nghỉ ngơi” ít nhất 2 – 3 tuần giữa các lần làm nail để móng có thời gian “thở” và phục hồi. Trong thời gian này, hãy loại bỏ hoàn toàn sơn móng và để móng trần tự nhiên, hoặc sử dụng sơn dưỡng móng có chứa protein, keratin hoặc vitamin để giúp móng phục hồi và chắc khỏe hơn. Việc cho móng nghỉ ngơi đúng lúc sẽ giúp chúng duy trì được sức khỏe và vẻ đẹp lâu dài.

Hạn chế làm móng thường xuyên để móng có thời gian hồi phục
Hạn chế làm móng thường xuyên để móng có thời gian hồi phục

Cách xử lý các vấn đề móng thường gặp sau khi làm nail

Mặc dù đã áp dụng đúng cách chăm sóc móng tay sau khi làm nai, đôi khi móng vẫn có thể gặp phải một số vấn đề. Việc hiểu rõ nguyên nhân và cách xử lý sẽ giúp bạn nhanh chóng khắc phục tình trạng này, tránh các biến chứng trở nên nghiêm trọng hơn.

Móng tay bị khô, yếu, dễ gãy

Sau khi tiếp xúc với hóa chất như acetone, sơn gel hoặc bột acrylic, móng tay thường mất đi lớp dầu tự nhiên, dẫn đến khô và dễ gãy. Việc mài móng trong quá trình làm nail cũng làm mỏng móng, giảm độ đàn hồi.

Để khắc phục tình trạng này, bạn nên:

  • Hạn chế dùng acetone tẩy sơn quá thường xuyên.
  • Sử dụng dầu dưỡng móng chứa vitamin E, dầu jojoba hoặc dầu hạnh nhân để phục hồi độ ẩm.
  • Mang găng tay khi tiếp xúc với nước rửa chén, hóa chất tẩy rửa.
  • Bổ sung biotin và kẽm qua thực phẩm như trứng, cá hồi, các loại hạt.
Khắc phục tình trạng móng khô, dễ gãy bằng các tinh dầu thiên nhiên
Khắc phục tình trạng móng khô, dễ gãy bằng các tinh dầu thiên nhiên

Một vài lần mỗi tuần, bạn có thể áp dụng công thức mặt nạ sau:

  • Dầu ô liu và nước cốt chanh: Trộn 1 thìa cà phê dầu ô liu với vài giọt chanh tươi. Ngâm móng 10 – 15 phút.
  • Dầu dừa và mật ong: Trộn đều 1 thìa cà phê dầu dừa và 1 thìa mật ong. Thoa lên móng, massage nhẹ, để yên 15 phút rồi rửa sạch.

Các nguyên liệu này giúp cấp ẩm, phục hồi độ chắc khỏe cho móng tay từ bên trong.

Viêm da quanh móng

Một vấn đề khác cần lưu ý là viêm da quanh móng – một tình trạng nhiễm trùng da xung quanh móng tay. Điều này thường xảy ra khi lớp da bảo vệ ở gốc móng bị tổn thương, mở đường cho vi khuẩn hoặc nấm xâm nhập. Nguyên nhân phổ biến là do cắt khóe, sử dụng dụng cụ không được khử trùng hoặc cắn móng tay, gây ra các triệu chứng như:

  • Đỏ, sưng, đau nhức ở rìa móng.
  • Có thể xuất hiện mủ.
  • Vùng da quanh móng nóng hoặc căng tức.

Nếu tình trạng còn nhẹ, không có mủ, bạn có thể tự điều trị tại nhà bằng cách:

  • Ngâm tay vào nước ấm pha muối loãng 1 – 2 lần/ngày, mỗi lần 10 phút.
  • Lau khô kỹ sau khi ngâm.
  • Thoa thuốc mỡ kháng sinh không kê đơn như bacitracin hoặc mupirocin.
Tuyệt đối không tự ý cắt khoé móng hoặc nặn mủ khi bị viêm da quanh móng
Tuyệt đối không tự ý cắt khoé móng hoặc nặn mủ khi bị viêm da quanh móng

Lưu ý, tuyệt đối không tự ý cắt khóe móng hoặc nặn mủ khi không có chuyên môn, vì điều này có thể khiến tình trạng nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng hơn. Trong trường hợp điều trị tại nhà sau 2 – 3 ngày không hiệu quả, các triệu chứng như đau, sưng, sốt vẫn tiếp diễn hoặc mủ ngày càng nhiều, đau tăng dần, bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu để được thăm khám và xử lý đúng cách, tránh biến chứng ảnh hưởng đến móng tay tự nhiên.

Nấm móng tay

Nấm móng tay là một bệnh lý phổ biến, thường gặp sau khi làm nail hoặc tiếp xúc với môi trường ẩm ướt kéo dài. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nấm móng có thể gây biến dạng móng và lan sang các móng khác.

Bạn có thể đang mắc bệnh nấm móng nếu xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Móng đổi màu: từ trắng đục sang vàng, nâu xám hoặc đen.
  • Móng dày lên, giòn, dễ gãy hoặc bong tróc từng mảng.
  • Xuất hiện mùi lạ nhẹ ở vùng móng.
  • Có thể ngứa nhẹ, cảm giác khó chịu quanh móng.

Cách phòng ngừa và điều trị bệnh nấm móng:

  • Luôn làm nail ở nơi uy tín, dụng cụ vô trùng.
  • Không dùng chung đồ cá nhân (kềm, dũa).
  • Lau khô tay, chân kỹ sau khi tiếp xúc nước.
  • Sử dụng kem bôi trị nấm (tham khảo ý kiến dược sĩ/bác sĩ).
Bạn không nên dùng chung dụng cụ nail để tránh lây nhiễm nấm móng từ người khác
Bạn không nên dùng chung dụng cụ nail để tránh lây nhiễm nấm móng từ người khác

Lời khuyên để móng tay luôn khỏe đẹp sau khi làm nail

Để giữ cho bộ móng luôn đẹp rạng rỡ, hãy bỏ túi những lời khuyên hữu ích dưới đây. Đây là những kinh nghiệm đúc kết từ thực tế, giúp bạn chủ động hơn trong việc bảo vệ và duy trì vẻ đẹp của đôi bàn tay.

  • Chọn địa chỉ làm nail uy tín, sử dụng sản phẩm chất lượng: Một tiệm nail chuyên nghiệp sẽ sử dụng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, dụng cụ được tiệt trùng kỹ lưỡng, và thợ nail có tay nghề cao, hạn chế tối đa tổn thương cho móng của bạn.
  • Không tự ý gỡ bỏ lớp sơn gel/ acrylic tại nhà: Việc tự ý cạy, bóc, hoặc kéo lớp sơn gel/ acrylic có thể làm bong tróc lớp móng tự nhiên, gây tổn thương nghiêm trọng. Bạn nên đến tiệm nail để được tháo móng đúng kỹ thuật bởi những người có chuyên môn.
  • Sử dụng dụng cụ làm nail riêng: Nếu có thể, hãy trang bị cho mình một bộ dụng cụ làm nail cá nhân và mang theo khi đến tiệm. Điều này giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo các bệnh về móng.
  • Kiểm tra móng tay thường xuyên để phát hiện sớm các vấn đề: Quan sát các dấu hiệu bất thường như móng đổi màu, bị sưng đỏ, đau nhức vùng quanh móng, móng bị bong tróc, giòn hoặc xuất hiện các đốm lạ. Phát hiện sớm các vấn đề này sẽ giúp bạn có thể xử lý kịp thời, tránh để tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn và khó điều trị.
Chọn một địa chỉ làm nail uy tín sẽ giúp bạn bảo vệ móng an toàn và khoẻ đẹp
Chọn một địa chỉ làm nail uy tín sẽ giúp bạn bảo vệ móng an toàn và khoẻ đẹp

Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn cách chăm sóc móng tay sau khi làm nail để luôn có đôi bàn tay xinh và khỏe mạnh. Đừng quên lắng nghe cơ thể mình và dành thời gian “tái tạo” cho móng sau mỗi lần làm đẹp nhé! Bạn có mẹo hay nào để bảo vệ móng không? Hãy chia sẻ bên dưới hoặc để lại câu hỏi nếu bạn cần tư vấn thêm nhé!

    Để lại thông tin tư vấn



    Hỏi đáp

    Vui lòng nhập câu hỏi